Cu-ba Khái quát quốc gia
 Cu-ba nằm ở vùng biển Ca-ri-bê, án ngữ lối vào vịnh Mê-hi-cô, giữa Bắc, Trung và Nam Mỹ, được nhà thám hiểm Tây Ban Nha Cristobal Colon phát hiện ra ngày 27/10/1492. Cu-ba là một quần đảo gồm hơn 1.600 đảo trong đó lớn nhất là đảo Cu-ba với diện tích 110.922 km2 và đảo Thanh Niên là 3.061 km2; 3/4 diện tích là đồng bằng; sông ngòi ít, nhỏ; khí hậu nhiệt đới ôn hoà. Cu-ba có trữ lượng quặng ni-ken lớn; ngoài ra còn có quặng đồng, sắt, măng-gan, dầu lửa; đất đai mầu mỡ, thích hợp cho canh tác cây công nghiệp (mía, cà phê, thuốc lá,...), cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc.

Về lịch sử: Trong thời kỳ Cu-ba là thuộc địa của Tây Ban Nha (1511 - 1898),  nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Tây Ban Nha đã nổ ra, trong đó tiêu biểu là Khởi nghĩa của thổ dân Cu-ba do Tù trưởng Hatuey lãnh đạo, Khởi nghĩa giành độc lập lần thứ nhất (1868-1878) do đại điền  chủ cấp tiến Carlos M. de Cespedes lãnh đạo và Khởi nghĩa giành độc lập lần thứ 2 (1895-1898) do Jose Marti, Maximo Gomez và Antonio Maceo lãnh đạo. Cu-ba trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ (1898 - 1958) và bị Mỹ chiếm đóng quân sự hai lần (1898-1902 và 1906-1909).
Ngày 26/7/1953, Fidel Castro lãnh đạo cuộc tiến công trại lính Moncada, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng ở Cu-ba chống lại chế độ độc tài Ba-ti-xta. Ngày 2/12/1956, Fidel Castro cùng các chiến sĩ yêu nước trên con tàu Granma đã  đổ bộ vào Cu-ba, trực tiếp lãnh đạo và tham gia chiến đấu đưa đến cách mạng thành công ngày 1/1/1959. Sau sự kiện Hi-rôn (4/1961), Chủ tịch Fidel Castro chính thức tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của Cách mạng Cu-ba.